Cốm ở Việt Nam Cốm

Trong cộng đồng người Việt tại miền Bắc Việt Nam cốm được làm từ lúa nếp non, ngon nhất là cốm làm từ nếp cái hoa vàng, trong cả hai mùa: lúa chiêm và lúa mùa, tuy thường dùng lúa mùa vào khoảng cuối hè đầu thu (từ khoảng rằm tháng 7 đến hết tháng 9 âm lịch). Vào tháng 4, tháng 5 âm lịch có nơi như ở cánh đồng Gôi (Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội)đã gặt lúa sớm nên đã có cốm bán gọi là cốm chiêm. Cốm chiêm không khác cốm mùa, nhưng có lẽ do thời tiết còn nóng bức nên người ăn không cảm thấy ngon như cốm mùa Thu[1].

Tại Hà Nội bên cạnh cốm Vòng là cốm Lủ và cốm Mễ Trì. Các bà, các mẹ bán cốm thường ăn mặc theo lối xưa với khăn xếp, áo cánh cổ lá sen, gánh đôi thúng với một bó lạt bằng rơm nếp nhuộm mạ xanh ngắt gắn trên đầu quang gánh, và chiếc mẹt đặt úp trên một bên thúng xếp vài chiếc lá sen để gói cốm[2].

Từ Đèo Ngang trở vào trong Nam, cốm hay bánh cốm thường được làm từ lúa nếp già tháng, gạo nếp, thậm chí là ngô[3], rang nở phồng sau đó ngào với đường.

Các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng có những loại cốm tương tự như cốm người Việt. Người TàyYên Bái còn có lễ hội giã cốm mang tên Tăm Khảu Mau. Lễ hội tổ chức tổ chức vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, là lúc lúa nếp vừa chớm vào trắc, hạt lúa ngả màu vàng nhạt là thời điểm người dân tập trung làm cốm. Cốm được làm từ thóc nếp. Để làm cốm thóc được chọn rất cầu kỳ, phải là thóc nếp hạt mẩy và có màu vàng nhạt đều. Cốm được làm theo hai cách, hoặc có thể luộc thóc hoặc rang thóc vừa chín tới, sau đó để nguội rồi đem giã, sàng sẩy để loại bớt vỏ trấu rồi đem bỏ vào đuống giã tiếp.

Dân tộc Mường tại Việt Nam có lễ hội giã cốm gõ máng, tổ chức vào mùa xuân.

Dân tộc Thái tại huyện Phong Thổ có hẳn một lễ hội cốm mang tên Kin Lẩu Khẩu Mẩu, cũng là nơi người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Không những thế lễ hội còn là nơi giao lưu tình cảm giữa các cư dân trên địa bàn[4]. Lễ hội đã từng bị mai một vào năm 1946 và thời gian gần đây được phục dựng trở lại, tổ chức rằm tháng 9 (âm lịch). Cốm Thái cũng dùng lúa non như cách của người Việt Bắc Bộ và thường gọi là khầu hang.

Cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ có món cốm dẹp. Theo truyền thống vào mỗi vụ mùa trước khi thu hoạch lúa chín người dân Khmer sẽ ra đồng gặt nếp về làm om bóc srâu thmây (cốm dẹp đầu mùa). Người Khmer gọi cốm dẹp là “om bóc” đặc sản từ hơn 100 năm trước đến nay vẫn được bà con làm để cúng các vị thần: thần Neac ta srê (thần đồng) và Preas chanh (thần Mặt trăng) nhằm tỏ lòng biết ơn cho một vụ mùa bội thu và nguyện cầu cho năm sau thời tiết đất trời thuận lợi cho mùa màng tốt tươi. Nếu người Hà Nội tự hào vì có cốm Làng Vòng thì người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang cũng có món nếp dẹp để mời khách phương xa mỗi khi đến thăm nhà vào mùa gặt.[5].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cốm http://mfo.mquiz.net/News/?Function=NEF&tab=Moi-ng... http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/tu-lam... http://vnexpress.net/gl/doi-song/am-thuc/2003/10/3... http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/com-thanh-huon... http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/Kheo-tay-Hay-... http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/09/3BA06F5... http://web.archive.org/web/20090712140808/http://w... http://www.laodong.com.vn/Home/Bat-an-voi-com/2007... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic...